Quy định về Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Tuy nhiên, việc áp dụng, đưa vào thực tiễn gây nhiều khó khăn bởi chưa có văn bản luật nào hướng dẫn chi tiết về điều khoản này.
Trước thực trạng trên, vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình lên Chính phủ bản Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Việt Luật cung cấp thông tin nội dung cơ bản của Dự thảo nếu được thông qua thì việc tham gia BHXH cho lao động người nước ngoài sẽ được thực hiện như sau:
1. Tất cả người Lao động người nước ngoài đều phải tham gia BHXH bắt buộc?
Theo Khoản 1 Điều 2 Dự thảo thì không phải tất cả lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều phải tham gia bảo hiểm xã hội mà chỉ những trường hợp đủ hai điều kiện sau đây:
- Thứ nhất, lao động người nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động (xác định thời hạn, không xác định thời hạn, mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định) thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên.
- Thứ hai, lao động người nước ngoài phải có một trong các giấy tờ sau đây do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp: Giấy phép lao động, Chứng chỉ hành nghề, Giấy phép hành nghề.
- Riêng loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện thì hiện tại chưa có quy định hướng dẫn.
2. Các chế độ bảo hiểm
Các chế độ bảo hiểm bao gồm: ốm đau, thai sản, chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất đề cập trong Dự thảo được thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, dự thảo này vẫn chưa giải quyết được một số vấn đề được đưa ra như: chế độ thai sản dành cho nam như thế nào khi vợ chồng không cùng sinh sống tại Việt Nam? Nhân thân lao động người nước ngoài không có điều kiện tới Việt Nam sẽ được hưởng chế độ như thế nào trong trường hợp Lao động nước ngoài chết do tai nạn lao động, lao động người nước ngoài chết trong khi đang hưởng lương hưu?…
Về chế độ lương hưu, trợ cấp Bbảo hiểm xã hội hàng tháng thì Khoản 1 Điều 10 Dự thảo có quy định “Người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khi không còn cư trú tại Việt Nam và có nguyện vọng thì được giải quyết hưởng trợ cấp một lần”.
Đồng thời quy định rõ việc thực hiện chế độ trợ cấp một lần này sẽ tương tự như đối với trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng ra nước ngoài để định cư. Tuy nhiên, trong trường hợp do khách quan mà lao động người nước ngoài không biết luật hoặc chủ quan lao động người nước ngoài không có nguyện vọng hưởng trợ cấp một lần thì giải quyết ra sao? Dự thảo Nghị định vẫn chưa có quy định hướng dẫn.
3. Mức đóng và phương thức đóng
Về phương thức đóng Bảo hiểm xã hội của lao động người nước ngoài thực hiện tương tự như người lao động là công dân Việt Nam. Tuy nhiên, về mức đóng Bảo hiểm xã hội của lao động người nước ngoài cũng như người sử dụng lao động người nước ngoài có sự khác biệt như sau:
a. Lao động Việt Nam
– Người lao động
8% đến 22% (tùy trường hợp) mức tiền lương hàng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất
– Người sử dụng lao động
Người sử dụng lao động hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động mức
- 3% vào quỹ đau ốm và thai sản.
- 0.5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
b. lao động nước ngoài
– Người lao động
8% mức tiền lương hàng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
– Người sử dụng lao động
Người sử dụng lao động người nước ngoài hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội của người lao động nước ngoài:
- 3% vào quỹ đau ốm và thai sản.
- tối đa 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
==> Trường hợp người lao động có tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ thì tiền đóng bảo hiểm xã hội sẽ được tính bằng đồng Việt Nam trên cơ sở chuyển đổi theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm ngày 02 tháng 01 cho 06 tháng đầu năm và ngày 01 tháng 07 cho 06 tháng cuối năm. Trường hợp trùng vào ngày nghỉ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa công bố thì lấy tỷ giá của ngày tiếp theo liền kề do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
==> Trường hợp tiền lương tháng cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.
4. Hồ sơ, thủ tục tham gia Bảo hiểm xã hội
Trong trường hợp lao động người nước ngoài vẫn đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam thì hồ sơ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội được thực hiện tương tự như người lao động là công dân Việt Nam.