Nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay đã làm thúc đẩy nhu cầu lao động ở nước ngoài ngày càng cao. Để đáp ứng nhu cầu này các doanh nghiệp dịch vụ và bên đối tác nước ngoài tiếp nhận lao động đã ký kết với nhau hợp đồng cung ứng lao động.
Tuy nhiên hợp đồng này được cho là khá phức tạp do thuộc đối tượng điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau như pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và điều ước quốc tế.
Hợp đồng phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện công tác quản lý lao động và bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Khái niệm hợp đồng cung ứng lao động
Hợp đồng cung ứng lao động là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp của Việt Nam với bên nước ngoài về điều kiện, nghĩa vụ của các bên trong việc cung ứng và tiếp nhận người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Hợp đồng này mang đặc điểm của hợp đồng kinh doanh thương mại trong đó, các doanh nghiệp dịch vụ sẽ tuyển chọn và cung cấp lao động với số lượng và chất lượng theo yêu cầu của bên nước ngoài.
Ngược lại, bên nước ngoài sẽ trả một khoản thù lao cho doanh nghiệp dịch vụ. Doanh nghiệp dịch vụ mang tính chất trung gian trong quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động nước ngoài.
Nội dung hợp đồng
Hợp đồng phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động và có những nội dung chính sau đây:
- Thời hạn của hợp đồng.
- Số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài; ngành, nghề, công việc phải làm.
- Địa điểm làm việc.
- Điều kiện, môi trường làm việc.
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
- An toàn và bảo hộ lao động.
- Tiền lương, tiền công, các chế độ khác và tiền thưởng (nếu có); tiền làm thêm giờ.
- Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt.
- Chế độ khám bệnh, chữa bệnh
- Chế độ bảo hiểm xã hội.
- Điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
- Trách nhiệm trả chi phí giao thông từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại.
- Tiền môi giới (nếu có).
- Trách nhiệm của các bên khi người lao động bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
- Giải quyết tranh chấp.
- Trách nhiệm giúp đỡ người lao động gửi tiền về nước.
Thủ tục đăng ký hợp đồng
Hợp đồng cung ứng lao động phải được đăng ký với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Hợp đồng này chỉ có hiệu lực sau khi được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận. Hồ sơ và trình tự thực hiện thủ tục này như sau:
Hồ sơ cần chuẩn bị
- Văn bản của doanh nghiệp đăng ký Hợp đồng cung ứng lao động (theo mẫu tại Thông tư số 21/2007/TT-BLDTBXH).
- Bản sao Hợp đồng cung ứng lao động, có bản dịch bằng tiếng Việt.
- Tài liệu chứng minh việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước tiếp nhận lao động, có bản dịch bằng tiếng Việt.
- Phương án thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động.
- Các tài liệu khác có liên quan đối với từng thị trường theo quy định.
Trình tự thực hiện thủ tục
Doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký tại Cục Quản lý lao động ngoài nước. Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Quản lý lao động ngoài nước phải trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp, nếu không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
Như đã nói ở trên, thủ tục đăng ký hợp đồng cung ứng lao động khá phức tạp, vì vậy cần nghiên cứu điều luật thật kỹ để triển khai đúng hướng. Việt luật hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí, đồng thời cung cấp dịch vụ trọn gói chuyên nghiệp giúp bạn thực hiện thủ tục nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nhân lực.
Hãy gọi ngay cho chúng tôi theo hotline 0973 826 829 để nhận tư vấn trực tiếp từ luật sư của chúng tôi.