Tư cách pháp nhân là gì?

Tư cách pháp nhân là gì
Tư cách pháp nhân là gì

Pháp nhân là một định nghĩa trong luật pháp về một thực thể mang tính hội đoàn, thường dùng trong luật kinh tế. Về pháp nhân có rất nhiều quan điểm và học thuyết như: có thuyết cho pháp nhân là một chủ thể giả tạo, có thuyết cho nó là một chủ thể thực sự v.v.. nhưng quan trọng nhất pháp nhân chỉ ra được các thực thể hội đoàn có những biểu hiện tương tự như thể nhân.

Pháp nhân có nhiều định nghĩa, song theo pháp luật Việt Nam thì pháp nhân là những tổ chức có tư cách pháp lý độc lập để tham gia các hoạt động pháp lý khác như chính trị, kinh tế, xã hội… Một cá nhân, tổ chức không có tư cách pháp nhân thì cũng không được pháp luật công nhận có quyền ký kết các văn kiện pháp lý về kinh tế, chính trị, xã hội (nếu cố tình ký kết thì văn bản đó vẫn sẽ bị coi là vô hiệu lực).

Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi thỏa mãn 4 dấu hiệu sau đây:

Điều kiện để có tư cách pháp nhân

1. Được thành lập một cách hợp pháp

– Pháp nhân là người do pháp luật sinh ra, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận.

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh được coi là “Giấy khai sinh của pháp nhân một cách hợp pháp”. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng được coi là pháp nhân (chẳng hạn như doanh nghiệp tư nhân).

Tính hợp pháp của pháp nhân giúp cho pháp nhân đó tham gia vào các quan hệ xã hội, nằm dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Vì vậy, tổ chức không được thành lập hợp pháp không được coi là có tư cách pháp nhân. Doanh nghiệp thành lập chui, không có giấy phép kinh doanh, hoặc giấy phép kinh doanh hết hạn, sẽ không có tư cách pháp nhân khi ký kết các văn kiện pháp lý về kinh tế, chính trị, xã hội,…

2. Phải có cơ cấu tổ chức một cách chặt chẽ

– Cơ cấu tổ chức chặt chẽ nhằm biến một tập thể người thành một thể thống nhất có khả năng thực hiện hiệu quả nhất nhiệm vụ của tổ chức đó khi được thành lập.

– Sự độc lập của tổ chức được coi là pháp nhân giới hạn trong quan hệ dân sự, kinh tế, lao động với chủ thể khác.

– Pháp nhân không bị chi phối bởi các chủ thể khác khi quyết định các vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ của tổ chức đó trong phạm vi điều lệ, quyết định thành lập và các định của pháp luật đối với tổ chức đó.

– Trên thực tế, có rất nhiều tổ chức thống nhất về cơ cấu nhưng không độc lập nhau như các phòng, ban, khoa,… trong các trường học, bênh viện.

3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác

– Để một tổ chức tham gia vào quan hệ tài sản với tư cách là chủ thể độc lập thì tổ chức đó phải có tài sản riêng. Tài sản riêng của pháp nhân là tài sản thuộc quyền sở hữu của pháp nhân hoặc có thể do Nhà nước giao cho quản lí.

– Tài sản của pháp nhân độc lập với tài sản cá nhân – thành viên của pháp nhân, với cơ quan cấp trên và các tổ chức khác. Tài sản đó được thể hiện dưới dạng vốn, các tư liệu sản xuất và các loại tài sản khác phù hợp với từng loại pháp nhân.

– Trên cơ sở có tài sản riêng, pháp nhân phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho thành viên của pháp nhân, và ngược lại, thành viên có tư cách pháp nhân không phải dùng tài sản riêng của mình để thực hiên nghĩa vụ thay pháp nhân.

– Độc lập về tài sản và chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của pháp nhân là tiền đề vật chất để một tổ chức tham gia vào quan hệ dân sự như 1 chủ thể độc lập.

4. Nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập

– Với tư cách là một chủ thể độc lập, pháp nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật với tư cách riêng, được hưởng quyền và phải gánh chịu các nghĩa vụ dân sự do pháp luật quy định và phù hợp với điều lệ của tư cách pháp nhân.

– Khi pháp nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại cho cá nhân hoặc pháp nhân khác thì pháp nhân đó có thể là bị đơn trước tòa án. Ngược lại, nếu cá nhân, pháp nhân khác không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ mà gây thiệt hại cho pháp nhân thì pháp nhân có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

Như vậy, các điều kiện của pháp nhân là yếu tố bắt buộc để một tổ chức có tư cách pháp nhân. Một pháp nhân phải có các điều kiện trên và ngược lại một tổ chức phải có đầy đủ các điều kiện như trên được coi là một pháp nhân.

Trân trọng!

banner thành lập doanh nghiệp