Quân đội không nên làm kinh tế thuần tuý

Một số đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau xung quanh việc phát triển khu kinh tế quốc phòng ở biên giới.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng quân đội không nên làm kinh tế thuần tuý. Ảnh: Q.H
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng quân đội không nên làm kinh tế thuần tuý. Ảnh: Q.H

Một số đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau xung quanh việc phát triển khu kinh tế quốc phòng ở biên giới.

Sáng 14/11, trong phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), đại biểu Trương Trọng Nghĩa ủng hộ phát triển công nghiệp quốc phòng, bởi đây là lĩnh vực các nước trên thế giới đều thực hiện.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng quân đội cần tập trung nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, việc kết hợp kinh tế quốc phòng không nên đi vào hướng làm kinh tế thuần tuý, vì lợi nhuận; không nên kinh doanh những ngành nghề không phục vụ cho hoạt động quốc phòng. Ví dụ như khách sạn, xây dựng nhà ở để bán…

Theo ông Nghĩa, Nhà nước, nhân dân có nghĩa vụ bảo đảm kinh phí cho quân đội thực hiện nhiệm vụ của mình.

“Cái thời ở trong rừng, bộ đội phải xách cuốc đi trồng cây, cày cấy cùng nhân dân tăng gia sản xuất đã khác rồi. Bất đắc dĩ mới phải làm như vậy. Còn bộ đội phải tập trung cho việc sẵn sàng chiến đấu”, ông Nghĩa nói và cho rằng qua đó sẽ giúp tăng cường sức mạnh quốc phòng, củng cố tình cảm của nhân dân với quân đội.

Tranh luận về khu kinh tế quốc phòng

Ngoài ra, theo ông Nghĩa, khu vực kinh tế quốc phòng đồng thời cũng phải là khu vực phòng thủ. “Nói khu kinh tế quốc phòng mà động viên nhân dân trồng cây cao su thì Bộ Nông nghiệp hay chính quyền địa phương có thể làm”, ông Nghĩa nêu ý kiến.

Tranh luận với ông Nghĩa, thiếu tướng Nguyễn Văn Chương – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP HCM, cho rằng “anh Nghĩa nói như vậy là hiểu chưa đúng vấn đề”.

Ông Chương cho hay, khi hoà bình lập lại, Bộ Quốc phòng đã mời gọi “giao khu đất rừng mênh mông” ở biên giới cho Bộ Nông nghiệp và các bộ, ngành khác.

“Tuy nhiên, sau bao nhiêu năm cũng không ai tới đó. Chỉ có quân đội xung phong lên với xe công binh, xe kéo và lực lượng cuốc cày mà quân đội có. Bộ đội đã xây dựng những doanh trại ban đầu, xây dựng vùng biên thành rừng cao su. Qua thời gian mới hình thành mặt bằng, mới làm ra kinh tế, dần dần người dân mới chịu di cư lên, không phải ai cũng sẵn sàng”, ông Chương nói.

Bên cạnh việc nêu rõ đóng góp của quân đội trong phát triển các khu kinh tế quốc phòng ở biên giới, tướng Chương cũng nhấn mạnh, “nếu có việc lợi dụng kinh tế kết hợp quốc phòng để làm sai, phục vụ lợi ích nhóm, làm mất uy tín quân đội là không thể chấp nhận được”.

Theo đại biểu Chương, cấp có thẩm quyền đã thông qua đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp quân đội. Theo đó, trong hơn 300 doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng trước đây, hiện được sắp xếp chỉ còn 88 doanh nghiệp, tới đây tiếp tục giảm còn 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 12 doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ 51% vốn…

“Kinh tế quốc phòng làm cho quốc phòng mạnh lên. Khu kinh tế quốc phòng chính là bà đỡ cho nhân dân vùng biên giới để họ có công ăn việc làm, bám biên giới, bám làng bản, làm phên giậu cho đất nước”, Tướng Chương khẳng định.

Chung quan điểm, thiếu tướng Sùng Thìn Cò – Phó tư lệnh Quân khu 2, cho rằng kinh tế mạnh thì quốc phòng mới mạnh. “Quân đội tập trung nghiên cứu công nghiệp quốc phòng để không chỉ bảo vệ đất nước mà còn xuất khẩu”, tướng Sùng Thìn Cò nói.

Sáng 24/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Theo Vnexpress

banner thành lập doanh nghiệp