Theo Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 và khoản năm Điều 17 Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình bao gồm: Toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và người đã khai báo tạm vắng; toàn bộ những người có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này.
Như vậy, toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu và sổ tạm trú đều bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, trừ những người đã có thẻ BHYT hoặc người đã khai báo tạm vắng.
Nếu con lớn của bạn thuộc vào đối tượng được quy định tại các khoản một, hai, ba, và bốn khoản năm Điều 17 Quyết định số 959/QĐ-BHXH (bao gồm nhóm do người lao động và đơn vị đóng; nhóm do tổ chức BHXH đóng; nhóm do ngân sách Nhà nước đóng; nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng) thì bạn chỉ cần mua BHYT cho vợ và con nhỏ của bạn.
Nếu con lớn của bạn không thuộc các đối tượng nêu trên, bạn vẫn phải mua thẻ BHYT cho cả nhà theo như luật quy định.
Việc mua BHYT được pháp luật quy định như sau
Về mức đóng và trách nhiệm đóng, theo khoản ba Điều 13 Luật BHYT năm 2014, khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, mức đóng bảo hiểm sẽ giảm dần dựa vào số người tham gia, cụ thể như sau:
– Người thứ nhất đóng tối đa bằng 4,5% mức lương cơ sở;
– Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;
– Từ người thứ năm trở đi mức đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Hồ sơ đăng ký tham gia BHYT
– Tờ khai tham gia BHYT;
– Danh sách đăng ký tham gia BHYT theo hộ gia đình;
– Danh sách người tham gia BHYT;
– Bản chính sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú;
– Bản chính hoặc bản chụp thẻ BHYT của những người đã có thẻ để nộp kèm danh sách đăng ký tham gia BHYT.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội