Đâm sập cầu gềnh phải bồi thường 23 tỷ đồng

Cầu ghềnh Đồng Nai trước và sau khi bị sập

Đơn vị quản lý cầu Ghềnh bị sà lan đâm sập hơn một năm trước yêu cầu bồi thường thiệt hại khi chủ tàu kéo bị đưa ra xét xử.

Sáng 14/11, TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) đưa Phan Thế Thượng (63 tuổi) cùng Trần Văn Giang (36 tuổi) ra xét xử về hành vi Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn và Vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường thủy.

Đây là vụ án liên quan đến sập cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai khiến đường sắt Bắc – Nam tê liệt hơn ba tháng, thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, sáng 19/3/2016, Thượng giao cho Giang lái tàu kéo đẩy sà lan chở cát từ Trà Vinh lên Đồng Nai. Trưa hôm sau, tàu đi trên sông Đồng Nai thì bị tắt máy, sà lan trôi tự do đâm sập mố cầu Ghềnh khiến hai nhịp cầu bị sập xuống sông.

Viện KSND TP Biên Hòa nhận định, Thượng biết rõ tàu kéo không đảm bảo an toàn kỹ thuật; đồng thời biết Giang không có bằng thuyền trưởng nhưng vẫn giao điều khiển tàu kéo.

Tại phiên tòa, hai bị cáo thừa nhận hành vi sai phạm của mình, tuy nhiên họ cho rằng lỗi một phần do nhà quản lý vì không có thanh chắn chống va đập bảo vệ mố cầu.

Đại diện luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ đưa ra bằng chứng cho thấy cầu Rạch Cát (xây cùng thời điểm với cầu Ghềnh) có thanh chắn bảo vệ. “Tôi thấy HĐXX cần trả hồ sơ điều tra lại vì có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong việc không có thanh chắn bảo vệ mố cầu theo quy định”, luật sư nói.

Phản bác lại ý kiến luật sư, đại diện Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn khẳng định cầu Ghềnh không có thanh chắn chống va đập từ khi đơn vị tiếp nhận quản lý. Về phần dân sự, công ty này yêu cầu chủ phương tiện tàu kéo đền bù 23 tỷ đồng tiền thiệt hại hư hỏng cầu Ghềnh và trễ giờ chạy tàu.

Sau một buổi xét xử, nhận thấy phần thẩm định thiệt hại trong sự cố cầu Ghềnh chưa đầy đủ, đồng thời thiếu một số hồ sơ, người có quyền và nghĩa vụ liên quan nên HĐXX quyết định trả hồ sơ bổ sung.

Theo Vnexpress

banner thành lập doanh nghiệp