Nếu việc đặt trạm thu phí BOT tại Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là không phù hợp với thực tiễn thì người dân, người dân hoàn toàn có quyền phản đối. Tuy nhiên, sự phản đối đó phải được thực hiện theo quy định của pháp luật (có thể biểu tình theo quy định; thực hiện quyền lực của mình thông qua người đại diện, ở đây là đại biểu Quốc hội…).
Còn việc tài xế cố tình gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua là vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Tùy vào mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh cản trở giao thông đường bộ. Sau đây, tác giả xin đưa ra những căn cứ về mặt pháp lý để quý thành viên được biết:
Việc tài xế dùng tiền lẻ để trả phí và yêu cầu thối lại 100 đồng (đưa 25.100 đồng và yêu cầu nhân viên trạm BOT Cai Lậy thối lại 100 đồng) không có gì là trái luật; tuy nhiên, khi Cảnh sát giao thông (CSGT) đến yêu cầu tài xế chạy xe vào vị trí khác để đợi tiền thối nhằm tránh ùn tắc giao thông mà tài xế không thực hiện thì đó là hành vi vi phạm pháp luật giao thông.
Cụ thể mức xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp này được quy định như sau:
Theo Điểm a Khoản 3 Điều 37 của Luật giao thông đường bộ 2008 thì CSGT hoàn toàn có quyền điều tiết giao thông và hướng dẫn, bắt buộc người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông.
Đồng thời, tại Điểm B Khoản 5 Điều 5 của Nghị định 46/2016 cũng quy định rõ: “Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô nếu không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông”.
Mặt khác, theo Điểm đ Khoản 4 Điều 5 của Nghị định 46/2016 thì hành vi dừng xe ô tô trái quy định mà gây ùn tắc giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng.
Ngoài ra, nếu người nào tham gia giao thông mà có hành vi gây ùn tắc giao thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 203 của Bộ luật Hình sự 1999; mức phạt tối đa đối với tội danh này lên đến 10 năm tù giam.
Theo thư viện pháp luật