1. Định nghĩa:
a) An toàn vệ sinh thực phẩm là gì?
An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều phải xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (trừ những cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định, những người bán hàng rong).
b) Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm là gì
Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là sự kiểm duyệt của các cơ quan chức năng có thẩm quyền về y tế đối với các cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chứng minh được sản phẩm mình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.
2. Hồ sơ xin cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm cho cơ sở theo mẫu được quy định của cơ quan thẩm quyền;
- Bản sao công chứng giấy đăng kí kinh doanh ngành liên quan đến thực phẩm;
- Bản thiết kế mặt bằng cơ sở và khu vực;
- Sơ đồ quy trình bảo quản thực phẩm và sản xuất tại cơ sở;
- Bản khai về cơ sở vật chất của cơ sở;
- Bản sao công chứng giấy chứng nhận sức khỏe của chủ cơ sở và các nhân viên trực tiếp làm việc tại cơ sở;
- Giấy chứng nhận về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất;
- Giấy chứng thực về nguồn gốc nguyên liệu và kiểm định nguồn nước sử dụng;
- Bản cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo mẫu quy định.
3. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ, thông báo tính hợp lệ và kết quả:
Trong thời gian 5 ngày, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ được nộp. Sau khi xác nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan sẽ cử người xuống kiểm tra trực tiếp tại cơ sở để đảm bảo các điều kiện được cấp giấy phép.
Nếu cơ sở đạt tiêu chuẩn sẽ được cơ quan tiến hành cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đạt chuẩn. Nếu không đạt cơ sở sẽ bị phạt hành chính vì kinh doanh không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
4. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm:
Căn cứ theo quy định tại điều 35, Luật an toàn thực phẩm năm 2010, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
Giấy phép được cấp có hiệu lực 3 năm và chủ cơ sở sản xuất phải cam kết thực hiện theo đúng quy định đề ra. Sau khi được cấp giấy, cơ quan chức năng sẽ cử người xuống kiểm tra thêm 1 lần nữa. Nếu cơ sở vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh sẽ bị thu hồi giấy phép được cấp.
Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Luật an toàn thực phẩm năm 2010.