Chị Đỗ Thị Thủy chuyển từ Thái Bình về Hà Nội sinh sống gần 10 năm nay song vẫn chưa mua được bảo hiểm y tế do không có sổ hộ khẩu ở đây. Chị đành chấp nhận mua ở quê, mỗi lần ốm đau lại di chuyển cả trăm cây số về khám bệnh.
Chị Thủy cũng khổ sở trong việc làm sổ tạm trú khi liên tục thay đổi chỗ ở và bị chủ trọ từ chối hỗ trợ làm thủ tục đăng ký. “Khi bắt đầu mang thai tôi chuyển đến chỗ trọ cố định và nộp chứng minh thư photo cùng bản khai tạm trú cho chủ nhà. Tuy nhiên, khi đi làm giấy khai sinh cho con, tôi ngã ngửa khi biết mình chỉ đăng ký lưu trú chứ không phải tạm trú. Tôi lại phải về quê làm khai sinh cho con”, chị than.
Nhiều người dân ở Hà Nội phàn nàn khi chứng minh thư đã có đầy đủ thông tin nhưng vẫn phải xuất trình sổ hộ khẩu khi làm các giao dịch dân sự. Vì không có sổ hộ khẩu nên những đứa con của anh Nguyễn Quang Định (sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) không làm được chứng minh nhân dân tại đây. Nhiều thủ tục hành chính cứ đụng đến yêu cầu hộ khẩu là anh lại thấy ngại, chẳng muốn thực hiện. “Hôm qua đọc tin, tôi mừng rơi nước mắt khi biết sắp bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu”, anh nói.
Luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng việc bỏ quản lý dân cư bằng hộ khẩu là “đột phá tư duy về quản lý cư trú”. Trong chiến tranh cũng như giai đoạn bao cấp sau khi đất nước thống nhất, hộ khẩu là một trong những công cụ hữu hiệu để nhà nước quản lý xã hội. Thông qua hộ khẩu, nhà nước quản lý dân cư, cư trú, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hộ khẩu cũng là công cụ để quản lý việc phân phối nhu yếu phẩm cho người dân thông qua chế độ tem phiếu. Trong giai đoạn hiện nay, hộ khẩu vẫn có những giá trị nhất định liên quan công dân, hộ gia đình như trợ cấp hộ nghèo, hộ cận nghèo, đóng bảo hiểm xã hội, mua nhà cho người có thu nhập thấp…
Theo ông Vinh, hiện có nhiều biện pháp hữu hiệu hơn trong việc quản lý cư trú nên việc xóa bỏ hộ khẩu là đúng đắn. Vì thế việc quản lý hộ khẩu đã gây phiền hà cho đại bộ phận dân chúng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi tiếp cận các quyền căn bản…
“Điệp khúc có nhà mới được đăng ký thường trú nhưng muốn được đăng ký thường trú (sổ hộ khẩu) thì phải có nhà đã thành nỗi ám ảnh cho nhiều người”, luật sư nói.
Ông Vinh đánh giá, với việc bỏ quản lý bằng hình thức hộ khẩu, người dân sẽ không bị các rào cản từ phía luật pháp liên quan đến quản lý cư trú gây ra. Một loạt các thủ tục hành chính tới đây sẽ phải thay đổi thành phần hồ sơ, yêu cầu điều kiện, chi phí tuân thủ và trên hết, cắt giảm đáng kể thời gian nhận kết quả của các thủ tục hành chính.
Theo Nghị quyết 112 ban hành cuối tháng 10, Chính phủ sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng quản lý thông qua mã số định danh cá nhân; bỏ “giấy chuyển hộ khẩu”; bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh với trẻ em đăng ký thường trú.
Việc quản lý dân cư tạm trú bằng “sổ tạm trú” cũng bãi bỏ…