Chiều 6/4, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ có quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) để điều tra hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Khoản 3, Điều 281 Bộ luật hình sự). Ông Vĩnh bị tình nghi có liên quan đến đường dây đánh bạc xuyên quốc gia với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Trước đó, hôm 11/3, công an tỉnh Phú Thọ đã bắt tạm giam 4 tháng ông Nguyễn Thanh Hóa – cựu thiếu tướng, cựu cục trưởng Cục Cảnh sát công nghệ cao để điều tra về tội tổ chức đánh bạc.
Ban Bí thư Đảng Cộng sản, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã tuyên bố đây là vụ án “có quy mô đặc biệt lớn, sử dụng công nghệ cao, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, nhiều địa phương, liên quan đến cán bộ của lực lượng Công an”.
Trước khi bị khởi tố, ông Vĩnh từng là đại biểu Quốc hội, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và gắn tên tuổi với nhiều vụ án lớn như vụ bắt giữ Lê Văn Luyện, Nguyễn Hải Dương hay Nguyễn Đức Kiên.
Hãy cùng Tư vấn Việt Luật điểm qua những vụ án chấn động, phức tạp nguyên trung tướng Phan Văn Vĩnh làm Trưởng ban chuyên án.
1. Sát thủ gây án tại tiệm vàng Bắc Giang
Lúc đó, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh còn là thiếu tướng, được giao làm Trưởng ban chuyên án. Sau 5 ngày điều tra, khoanh vùng, rà soát những người bị tình nghi, cơ quan cảnh sát điều tra đưa Lê Văn Luyện vào tầm ngắm.
Tuy nhiên, thời điểm đó Luyện không có mặt ở địa phương khiến công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban chuyên án Phan Văn Vĩnh, các mũi trinh sát được cử đến những nơi có thể hung thủ lẩn trốn.
Ngày 31/8, Lê Văn Luyện bị bắt tại km số 1057, thuộc quản lý của Đồn biên phòng Na Hình (thuộc thôn Bản Tả, xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Khi được di lý về cơ quan điều tra, Luyện đã thừa nhận mọi hành vi của mình.
2. Phá đại án liên quan đến ‘bầu’ Kiên
Tháng 8/ 2012, dư luận cả nước xôn xao về việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Kiên do vi phạm liên quan đến hoạt động của 3 doanh nghiệp do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội).
Tiếp đó, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam đối với Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc ACB về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hàng loạt lãnh đạo, cán bộ ngân hàng bị khởi tố, bắt giam vì liên quan. Chuyên án này ông Vĩnh cũng làm Trưởng ban.
Trả lời báo chí sau khi phá án, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát khẳng định không chịu bất kỳ sức ép nào trong điều tra vụ án liên quan đến Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải.
3. Thảm án ở Bình Phước được phá trong 4 ngày
6 người trong một gia đình ở Bình Phước bị thảm sát vào nửa đêm và rạng sáng 7/7/2015 khiến dư luận bàng hoàng. Ngay từ khi nhận được tin báo, Bộ Công an, Công an tỉnh Bình Phước xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hàng trăm điều tra viên tinh nhuệ được huy động tham gia.
Thời điểm đó, trung tướng Phan Văn Vĩnh làm Trưởng ban chuyên án và trung tướng Triệu Văn Đạt (Phó tổng Cục trưởng Cảnh sát) đã có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo công tác phá án.
Sau nhiều ngày sử dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết, chiều 10/7, trung tướng Phan Văn Vĩnh triệu tập cuộc họp gồm tất cả các đầu mối nghiệp vụ để tổng hợp thông tin. Nhiều chứng cứ thu thập tại hiện trường cho thấy Nguyễn Hải Dương (sinh năm 1991, người yêu cũ của con gái gia chủ) là nghi phạm chính của vụ án.
Chiều cùng ngày hung thủ bị bắt đã khai nhận mình là chủ mưu của vụ thảm sát này với sự giúp sức của Vũ Văn Tiến (sinh năm 1991, ở Bình Phước). Khi phá án xong, trung tướng Phan Văn Vĩnh nói đây không phải là chiến công.
“Phá án, món nợ của nhân dân đã được trả. Nhưng nói thật lòng, tôi cũng như nhiều đồng đội không thấy vui mà canh cánh nỗi buồn vì hậu quả của vụ án để lại quá nặng nề, không coi đó là chiến công mà là trách nhiệm của người công an. Nhiệm vụ chúng tôi chỉ mới hoàn thành một nửa, nửa còn lại là phải phòng ngừa tội phạm để không để những vụ việc tương tự xảy ra”
Không chỉ với 3 chuyên án lớn trên, ông Phan Văn Vĩnh còn tham gia chỉ đạo phá nhiều vụ án lớn trong các lĩnh vực khác nhau để trấn áp tội phạm.