Báo cáo tài chính bao gồm những gì? Các bước lập báo cáo tài chính cuối năm như thế nào? Nếu bạn đang loay hoay với những câu hỏi này, thì hãy cùng Việt Luật tìm hiểu trong bài viết dưới đây để có được bí quyết lập báo cáo tài chính cuối năm nhanh chóng, hiệu quả và chính xác.
-
Quy định khi lập báo cáo tài chính
Theo Thông tư 133/2016/TT-BTC, trong bộ báo cáo tài chính, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chuẩn bị: Báo cáo tình hình tài chính, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Bảng cân đối tài khoản, Bản thuyết minh Báo cáo tài chính.
Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, trong bộ báo cáo tài chính, các doanh nghiệp có quy mô lớn cần chuẩn bị: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Thuyết minh Báo cáo tài chính
-
Báo cáo tài chính năm gồm những gì?
Theo thông tư 200 có quy định tại Điều 100, báo cáo tài chính cho doanh nghiệp bao gồm:
- Bảng cân đối về kế toán (Mẫu số B01-DN)
- Báo cáo về kết quả của hoạt động kinh doanh (Mẫu số B02-DN)
- Báo cáo về lưu chuyển tiền tệ (Mẫu số B03-DN)
- Bản thuyết minh báo cáo tình hình tài chính (Mẫu số B09-DN)
-
Các bước lập báo cáo tài chính cuối năm chính xác 2023
Để có thể tạo được một báo cáo tài chính cuối năm chính xác, kế toán viên nên thực hiện theo những bước cơ bản sau đây:
Bước 1: Tập hợp, sắp xếp chứng từ kế toán
Việc tập hợp và sắp xếp chứng từ kế toán là bước vô cùng cần thiết khi lập báo cáo tài chính.
Hầu hết, hoạt động doanh nghiệp diễn ra hàng ngày thể hiện qua các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh. Chứng từ kế toán là các tài liệu phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính đó như: Hóa đơn đầu vào, hóa đơn đầu ra, sổ quỹ, sổ phụ ngân hàng, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, hồ sơ tài sản, bảng chấm công, bảng lương …
Chính vì thế, kế toán cần thu thập tất cả các loại chứng từ kế toán, sắp xếp khoa học. Bên cạnh đó, cần phải kiểm tra đồng thời tính hợp lý, hợp pháp, hợp lệ của chứng từ trong quá trình sắp xếp.
Lưu ý, sắp xếp chứng từ theo thứ tự thời gian trong cả năm tài chính: Những chứng từ gốc như hóa đơn đầu ra, đầu vào gốc sẽ kẹp cùng chứng từ hạch toán hay sắp xếp theo Danh mục bảng kê thuế.
Ngoài những chứng từ bắt buộc theo quy định của pháp luật, các chứng từ đi kèm chứng từ hạch toán gồm những gì, phụ thuộc vào nhu cầu quản lý, sử dụng, kiểm soát cũng như quy chế tài chính của mỗi doanh nghiệp.
Bước 2: Hạch toán
Sau khi thu thập và sắp xếp các chứng từ kế toán, nhiệm vụ của kế toán là ghi chép, phản ánh các nghiệp vụ đó vào sổ sách kế toán nhằm đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ và hợp pháp theo đúng quy định pháp luật.
Bước 3: Phân bổ, khấu hao và chi phí trả trước
Doanh nghiệp cần hạch toán phân bổ chi phí phát sinh hàng tháng với thời gian phân bổ hợp lý theo quy định
Bước 4: Hạch toán các khoản ước tính, điều chỉnh
Tiến hành hạch toán ước tính các khoản như:
- Bút toán đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối kỳ
- Các khoản dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh….
- Các khoản chi phí của năm: Chi phí kiểm toán, chi phí mang tính chất thường xuyên, tiền thuê nhà, điện, nước, lương tháng 13, thưởng tết âm lịch, nguyên vật liệu,…
Bước 5: Kiểm tra đối chiếu số liệu sổ sách
Kiểm tra là khâu vô cùng quan trọng trong các bước lên Báo cáo tài chính. Trong trường hợp, số liệu hạch toán sai, lên báo cáo tài chính không chính xác phải rà soát lại, tìm nguyên nhân, điều chỉnh và làm lại Báo cáo tài chính. Điều này sẽ làm mất nhiều thời gian và công sức hơn. Chính vì thế, bạn cần kiểm tra kỹ số liệu trước khi lên Báo cáo tài chính:
- Kiểm tra, đối chiếu số liệu kế toán từng Tài khoản, giữa các Tài khoản với nhau, giữa Tài khoản với chứng từ thực tế phát sinh…
- Nắm chắc những lưu ý trong quá trình kiểm tra soát xét các Tài khoản để lên Báo cáo tài chính.
Bước 6: Thực hiện các bút toán kết chuyển
Sau khi đã kiểm tra đối chiếu số liệu sổ sách, bạn cần tiến hành rà soát kiểm tra, bổ sung các bút toán còn thiếu và thực hiện kết chuyển lãi/lỗ trong năm.
Cần kết chuyển lãi, lỗ năm ngoái trước khi thực hiện kết chuyển lãi, lỗ năm nay. Sau khi kết chuyển, các tài khoản đầu 5,6,7,8,9 không còn số dư.
Đối với những doanh nghiệp phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, phải nộp cần kết chuyển lần thứ nhất để xác định lãi, hạch toán bổ sung bút toán ghi nhận thuế, tính ra số thuế phải nộp và chi phí thuế phát sinh. Sau đó, thực hiện kết chuyển lại để ra con số lợi nhuận cuối cùng.
Bước 7: Lập báo cáo tài chính
Lập báo cáo tài chính là công việc cuối cùng trong các bước làm báo cáo tài chính cuối năm.
Bạn có thể lên Báo cáo tài chính theo hướng dẫn quy định cụ thể tại Thông tư 133/2016/TT-BTC hoặc Thông tư 200/2014/TT-BTC:
- Thông tư 133/2016/TT-BTC áp dụng cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ
- Thông tư 200/2014/TT-BTC: áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, loại hình, mọi thành phần kinh tế không xét đến quy mô doanh nghiệp.