Quy trình đăng ký doanh nghiệp

Quy trình đăng ký doanh nghiệp
Quy trình đăng ký doanh nghiệp

Luật doanh nghiệp số: 68/2014/QH13 sửa đổi đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 26/11/2014. Luật này gọi tắt là “Luật doanh nghiệp năm 2014” thay thế cho Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11, và có hiệu lực từ ngày 01/07/2015.

Luật Doanh nghiệp 2014 quy định nhiều điểm mới nổi bật liên quan đến lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp (đăng ký kinh doanh). Bài viết dưới đây sẽ phân tích các quy định cũng như giới thiệu các điểm mới về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Nhà nước Việt Nam.

1. Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp

Để cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì các cá nhân, tổ chức cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Đây là điều kiện cần và bắt buộc để thực hiện thủ tục cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, đối với từng loại hình doanh nghiệp khác nhau sẽ có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp khác nhau:

– Đối với doanh nghiệp tư nhân: được quy định tại Điều 20 Luật Doanh nghiệp 2014

– Đối với công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty TNHH: được quy định lần lượt tại các Điều 21, 22 và 23 Luật Doanh nghiệp 2014.

Các giấy tờ cần chuẩn bị khi thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp:

  1. Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh theo mẫu thống nhất do cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền quy định;
  2. Danh sách thành viên (đối với công ty hợp danh, công ty TNHH), danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần);
  3. Giấy tờ chứng thực cá nhân/tổ chức của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên, cổ đông sáng lập;
  4. Điều lệ công ty (đối với công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty CP).

Như vậy, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 đã có sự phân hóa về mặt loại hình doanh nghiệp dự định đăng ký và được đánh giá là tương đối chặt chẽ. Với mỗi loại hình doanh nghiệp khác nhau thì hồ sơ đăng ký thành lập là khác nhau. Luật Doanh nghiệp 2014 đồng thời cũng quy định rõ ràng nội dung của các loại giấy tờ như: Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh, Điều lệ công ty, danh sách thành viên và danh sách cổ đông. Doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tự kê khai hồ sơ đăng ký, chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của mình khi nộp cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Một trong những điểm mới nổi bật của Luật Doanh nghiệp năm 2014 là đơn giản hóa thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Theo quy định trước đây tại Luật Doanh nghiệp năm 2005, đối với doanh nghiệp khi kinh doanh các ngành, nghề mà luật, pháp lệnh hoặc nghị định đòi hỏi phải có vốn pháp định hoặc chứng chỉ hành nghề, thì doanh nghiệp đó chỉ được đăng ký kinh doanh khi có đủ vốn hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp về bản chất là việc ghi nhận sự ra đời, công nhận về mặt pháp lý sự xuất hiện của doanh nghiệp trên thị trường. Điều này cũng tương tự như việc cấp giấy khai sinh cho một đứa trẻ hoặc cấp chứng minh thư nhân dân cho công dân. Các yêu cầu về vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề chỉ nên được coi là điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp được hoạt động. Quy định như Luật Doanh nghiệp 2005 đã tỏ ra không hợp lý, không có hiệu lực quản lý nhà nước, gây ra khó khăn, tốn kém không cần thiết cho nhà đầu tư khi thành lập mới doanh nghiệp.

Do vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ yêu cầu về các điều kiện kinh doanh trong thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp không phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp được phép kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

2. Quy định về người đi nộp hồ sơ

Khi đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả “Bộ phận Một cửa” – Sở Kế hoạch và Đầu tư (cấp tỉnh/thành phố) nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, người được ủy quyền phải nộp những giấy tờ sau:

  • Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân (chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân) đồng thời xuất trình bản chính để chuyên viên tiếp nhận đối chiếu (trường hợp có bản sao y do cơ quan có thẩm quyền chứng thực thì không cần xuất trình bản chính);
  • Bản sao hợp lệ hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp và tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp; hoặc Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp.

Các giấy tờ chứng thực cá nhân trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được chuẩn bị trên khổ giấy A4 để thuận tiện cho công tác số hóa hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp.

3. Quy trình đăng ký thành lập doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2014, việc đăng ký doanh nghiệp được tiến hành tại cơ quan đăng ký kinh doanh, bao gồm các bước cụ thể sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp

Người thành lập doanh nghiệp phải nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Địa điểm nộp hồ sơ tại: Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền (Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh/thành phố)

Người thành lập doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của nội dung trong hồ sơ.

Quy định này nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật, tính tự giác, tự chịu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu gia nhập thị trường, đồng thời, việc giảm trách nhiệm thẩm định hồ sơ của cơ quan đăng ký kinh doanh cho phép rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Bước 2: Cơ quan chức năng tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp

Cơ quan chức năng (phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh/thành phố) tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và ghi vào sổ hồ sơ tiếp nhận của cơ quan mình. Đồng thời, cơ quan chức năng trao cho người thành lập Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ hợp lệ.

Thời điểm tiếp nhận hồ sơ hợp lệ được coi là căn cứ để xác định thời hạn thực hiện trách nhiệm đăng ký doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh. Giấy biên nhận về việc tiếp nhận hồ sơ là cơ sở pháp lý để người thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện quyền khiếu nại của mình trong trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh không cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo đúng thời hạn và không có thông báo về việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Bước 3: Cơ quan chức năng xem xét tính hợp lệ hồ sơ đăng ký và cấp hoặc ra thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ; nếu từ chối cấp Giấy thì thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm các giấy tờ khác không quy định tại Luật này.

Trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 được ban hành, thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là 5 ngày làm việc trong đó có 2 ngày để cơ quan thuế cấp mã số doanh nghiệp, 3 ngày để cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận, xử lý hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Với cơ chế này, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải phụ thuộc vào việc chờ cấp mã số doanh nghiệp từ cơ quan thuế, làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp tham gia thị trường, Luật Doanh nghiệp 2014 đã giảm thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp còn xuống còn tối đa 3 ngày làm việc. Cụ thể hóa quy định nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Tài chính để ban hàng Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC hướng dẫn việc trao đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp, thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và thông tin về báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Theo đó, Hệ thống đăng ký thuế tự động tạo mã số thuế mà không cần sự kiểm tra, xem xét của cán bộ đăng ký thuế.

4. Quy định về người nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp

Theo đúng ngày hẹn trả kết quả trên biên nhận doanh nghiệp liên hệ Bộ phận Một cửa để nhận kết quả.

Khi đến Bộ phận Một cửa nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp, người đại diện pháp luật xuất trình bản chính giấy tờ chứng thực cá nhân (chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân) và biên nhận hẹn trả kết quả.

Trường hợp doanh nghiệp ủy quyền cho cá nhân, tổ chức đến nhận kết quả thì khi đến Bộ phận Một cửa nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp, người được ủy quyền nộp:

  • Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân (chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân) đồng xuất trình bản chính để chuyên viên tiếp nhận đối chiếu (trường hợp có bản sao y do cơ quan có thẩm quyền chứng thực thì không cần xuất trình bản chính);
  •  Bản sao hợp lệ hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp và tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp; hoặc Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp.

Sau khi ký xác nhận đã nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp trên biên nhận, người đại diện pháp luật/người được ủy quyền kiểm tra kỹ thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận, Thông báo kết quả giải quyết để thông báo cho chuyên viên trả kết quả nếu có sai sót để được giải quyết theo quy định.

Trường hợp doanh nghiệp phát hiện sai sót sau ngày được trả kết quả thì thực hiện đăng ký hiệu đính thông tin doanh nghiệp theo quy định.

Nguồn: Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia

Các bài viết liên quan:

  • Phiếu đăng ký khắc dấu và công bố mẫu dấu
  • Thông báo về đăng ký địa chỉ trụ sở tại chung cư
  • Các loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2014
  • Danh sách các cơ sở khắc dấu trên địa bàn Thành phố Hà Nội
  • Đăng ký doanh nghiệp trực tuyến
  • Hình thức đăng ký thực hiện thủ tục
  • Trình tự thực hiện thủ tục
  • Thông tin lưu ý khi thực hiện thủ tục
banner thành lập doanh nghiệp