“Bị cáo có đủ tự trọng, niềm tin. Tội đến đâu nhận đến đó, những điều giải thích lại bị VKS coi là tránh né, trốn tội”, cựu kế toán trưởng Nga nói.

Chiều 20/9, hơn mười bị cáo là các cựu lãnh đạo hội sở OceanBank cùng các giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch đã đồng loạt trình bày nỗi khổ tâm trong phần bào chữa bổ sung.

Cựu kế toán trưởng Nguyễn Thị Nga (mức án đề nghị 7-8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng) nói rằng “có chết cũng không nhắm được mắt” khi bị VKS đánh giá là “không thành khẩn”.

“Bị cáo có đủ tự trọng, niềm tin. Tội đến đâu nhận đến đó. Trong 11 ngày xét xử, những điều bị cáo giải thích lại bị VKS coi là tránh né, trốn tội”, bị cáo Nga nói.

Về việc bị cáo buộc chịu trách nhiệm về số tiền 175 tỷ đồng đã chi, bà Nga nói đã đề nghị các sếp hoàn tạm ứng cho OceanBank. Tuy nhiên, số tiền hoàn ứng không được VKS ghi nhận mà lại quy vào khoản chi cá nhân của bị cáo Hà Văn Thắm. “Bắt bị cáo chịu liên đới trách nhiệm 175 tỷ, đối với VKS chỉ là một câu, nhưng với bị cáo nó là án tử, không còn cơ hội làm lại cuộc đời nữa”, bị cáo nói.

Theo bà Nga, ở OceanBank, trưởng ban kế toán không có quyền phê duyệt. Vì thế, bị cáo không có nhiệm vụ chi trả lãi. Bị cáo cho rằng, không bao giờ “luồn cúi” đi mua hóa đơn để che lấp những sai trái của sếp. “Bị cáo đã cố gắng giữ bản chất kế toán trong một môi trường như vậy, song cũng không được ghi nhận”.

Ở vụ án này, chồng bị cáo là Ngô Hải Nam (nguyên giám đốc chi nhánh Quảng Ninh) cũng liên đới, bị đề nghị mức án treo cùng về tội Cố ý làm trái. Bị cáo cảm ơn VKS vì xem xét cho chồng được hưởng án treo, tuy nhiên vẫn xin HĐXX xem xét miễn trách nhiệm cả hình sự lẫn dân sự để anh này có thể chăm lo cho hai con gái đang độ tuổi ăn học.

Cựu giám đốc khối bán lẻ Nguyễn Thị Thu Ba khi tự bào chữa cũng giãi bày “không thể nhận thức vi phạm pháp luật” mà chỉ cố gắng, trung thực vì sự phát triển của cơ quan. Bị cáo nêu hoàn cảnh khó khăn, ở cùng mẹ chồng 85 tuổi, bố mẹ đẻ gần 90 tuổi, hai con đang đi học cần sự giáo dưỡng của cha mẹ, vì vậy xin HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự để quay lại cuộc sống bình thường.

Bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang (cựu giám đốc khối khách hàng cá nhân) nói “rất oan ức” khi phải chịu trách nhiệm liên đới về khoản 1.500 tỷ đồng OceanBank đã chi lãi ngoài hợp đồng. Bà mong phân tách số tiền, nếu không với mức lương 20 triệu đồng một tháng mà nhịn ăn thì sẽ mất 766 năm, trải qua 10 đời mới có thể bồi thường xong.

Bà Trang cho rằng, mình bị đề nghị mức phạt 7-8 năm là quá cao. “Có lẽ như các bị cáo khác nói: Càng làm giỏi thì tội càng nặng”, bà than. Trong hai năm rưỡi bị cáo làm việc thì khối khách hàng phát triển rực rỡ nhất, đến giờ vẫn mang lại kết quả kinh doanh tốt nhất cho ngân hàng.

Hai năm vướng lao lý, mất việc, bà Trang đi xin việc nhiều nơi nhưng không được nhận. “Cáo buộc quá nặng, đóng lại cánh cửa tương lai của bị cáo. Các bị cáo cùng hàng ngàn chuyên viên ngân hàng đang nín thở lắng nghe phán xét của HĐXX. Nếu tòa phán xét như đề nghị của VKS thì không ai dám làm ngân hàng nữa, còn ai dám vì đồng lương ít ỏi mà huy động vốn”, bị cáo nói.

Quay về phía cựu chủ tịch Hà Văn Thắm, bị cáo nói: “Giá như năm 2014 dừng việc chi vượt trần, anh cứ để OceanBank phá sản thì không ai phải ngồi trước vành móng ngựa hôm nay”. Dứt lời, bị cáo ôm mặt khóc, đi nhanh về chỗ.

Khách dọa nhảy lầu tự tử trước mặt giám đốc chi nhánh

Đó là câu chuyện mà nguyên giám đốc OceanBank chi nhánh Hải Dương Trần Thị Thu Hương giãi bày khi tự bào chữa bổ sung. Bị cáo cho rằng trong việc chi lãi ngoài hợp đồng chỉ làm theo phân công của cấp trên, do vậy không phải là đồng phạm giúp sức. Theo bà Hương, những năm chi lãi ngoài hợp đồng, Hải Dương là chi nhánh ngân hàng có lãi, đóng thuế cao nhất tỉnh Hải Dương.

Tại thời điểm ông Hà Văn Thắm và bà Nguyễn Minh Thu bị bắt, các chi nhánh đều nguy kịch. 100 cán bộ nhân viên Hải Dương như rắn mất đầu. Lúc đó, bị cáo tìm cách cứu ngân hàng. Khách hàng của Oceanbank Hải Dương chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản đều đến rút tiền, vây xung quanh chi nhánh ngày áp Tết, không cho bị cáo ra khỏi ngân hàng.

Bà Hương nói khi đó phải cầu cứu UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước. “Một công ty nước ngoài có 8 tỷ đồng trong tài khoản, họ nói nếu không cho họ rút 200 triệu họ sẽ nhảy lầu ngay trước mặt bị cáo. Bị cáo đành phải về nhà vay tiền đưa cho họ”, nữ bị cáo khóc khi kể lại câu chuyện ám ảnh.

Bị cáo nói đã bán nhà của mình lấy tiền khắc phục hậu quả. “Con bị cáo hỏi mẹ ơi vì sao mẹ phải đi tù? Bị cáo phải chụp cáo trạng nói rằng mẹ không tư lợi, hưởng lợi gì. Bị cáo thấy mình không vi phạm pháp luật như bản cáo trạng đã nêu, xin miễn trách nhiệm hình sự và dân sự như 227 nhân viên khác”, bị cáo Hương nói.

Ngày mai, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần trình bày của các nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Bảo Hà (Vnexpress)

banner thành lập doanh nghiệp